Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) là gì?

Ngày 01/04/2024

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là bệnh mạn tính ở phổi có tắc nghẽn đường thở kéo dài, không hồi phục được hoàn toàn. Người mắc bệnh sẽ mang bệnh suốt đời.

Ở Việt Nam cứ 1000 người trên 40 tuổi thì có 45 người mắc bệnh.

Bệnh tiến triển từ từ và thầm lặng nên nhiều người bệnh chỉ đi khám khi bệnh đã ở giai đoạn muộn.

Bệnh ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống, đặc biệt ở giai đoạn muộn: người bệnh ít đi lại, chủ yếu sống trong nhà, giao tiếp xã hội bị hạn chế, có nguy cơ bị trầm cảm….

Bệnh gây tốn kém tiền bạc, giảm sức lao động.

Dấu hiệu của bệnh COPD

Ho húng hắng hoặc thành cơn, khạc đờm kéo dài về buổi sáng.

Khó thở tiến triển nặng dần theo thời gian. Ban đầu khó thở khi làm việc nặng, khi gắng sức, sau đó khó thở cả khi nghỉ ngơi, khó thở liên tục.

Hãy đến cơ sở y tế để phát hiện sớm bệnh khi có biểu hiện ho, khạc đờm, khó thở !

Yếu tố nguy cơ

Ai cũng có thể mắc bệnh, tuy nhiên, nguy cơ mắc bệnh cao hơn ở những người có các yếu tố sau:

  • Tuổi trên 40.
  • Hút thuốc lá, thuốc lào.
  • Hít phải khói thuốc lá, thuốc lào.
  • Sống trong môi trường ô nhiễm, khói bụi, khói bếp than.
  • Làm việc trong môi trường ô nhiễm: hầm mỏ, xưởng đúc, xưởng luyện kim, nhà máy dệt…
  • Nhiễm trùng đường hô hấp tái diễn nhiều lần, lao phổi, hen phế quản không được kiểm soát.

Nếu có một trong các yếu tố nguy cơ trên cần đến cơ sở y tế khám để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Các biện pháp phòng bệnh

Để phòng bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), người dân cần thực hiện:

  • Không hút thuốc lá, thuốc lào.
  • Tránh tiếp xúc với khói thuốc lá, thuốc lào.
  • Giữ nhà cửa sạch sẽ, thoáng đãng.
  • Có biện pháp phòng hộ khi làm việc trong môi trường khói bụi ô nhiễm: đeo khẩu trang, sử dụng mặt nạ phòng hộ;
  • Giữ ấm cơ thể, ăn uống đầy đủ để phòng bệnh đường hô hấp
  • Đi khám và thực hiện theo hướng dẫn của cán bộ y tế khi có dấu hiệu viêm nhiễm đường hô hấp.

Các biện pháp hạn chế sự tiến triển của bệnh

Với những người mắc bệnh cần:

  • Khám định kì, dùng thuốc theo chỉ dẫn của cán bộ y tế;
  • Không hút và tiếp xúc với khói thuốc lá, thuốc lào.
  • Giữ nhà cửa sạch sẽ, thoáng đãng. Tránh tiếp xúc với khói bếp than;
  • Sống lạc quan, ăn uống luyện tập theo hướng dẫn của cán bộ y tế, giữ cho cơ thể khỏe mạnh.
  • Tiêm vắc xin phòng cúm, phòng phế cầu khuẩn.
  • Đến ngay cơ sở y tế nếu thấy tình trạng bệnh nặng hơn.